DANH MỤC SẢN PHẨM
video clip
Fanpage Facebook
Chi tiết Tin tức
Nâng chất lượng hạt điều phục vụ xuất khẩu
Ngày đăng :22-01-2015 11:34:22 PM - Đã xem :3229
Thời gian qua, diện tích trồng mới và năng suất có tăng nhưng doanh nghiệp chế biến nhân điều xuất khẩu vẫn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Chính vì vậy, ngoài việc đầu tư cho chế biến, biện pháp thâm canh và ghép cải tạo giống điều cũng là vấn đề được quan tâm để cải thiện nguồn nguyên liệu trong nước, hạn chế nhập khẩu thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong hai năm qua, ngành điều có những bước phát triển rõ nét, đáng phấn khởi. Trong đó, phải kể đến công tác quản lý giống điều tốt góp phần thúc đẩy, nâng cao năng suất cây điều tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam có hơn 300.000 ha điều, tập trung tại các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội Điều Việt Nam xây dựng đề án cải tạo 200 điểm với khoảng 60.000 ha; trong đó, tái canh 45.000 ha, ghép cải tạo 15.000 ha.
Theo báo cáo của các địa phương trồng điều như Đồng Nai, Bình Phước, tổng năng lực sản xuất cây giống điều hiện nay từ 3,7 - 3,9 triệu cây/năm, bình quân khoảng 200.000 cây/ha. Trong đó tỉnh Bình Phước sản xuất nhiều nhất, 3 - 3,5 triệu cây/năm, tỉnh Bình Định 500.000 cây/năm, Đồng Nai khoảng 200.000 cây/năm. Năng lực sản xuất này đáp ứng đủ nhu cầu trồng mới, trồng tái canh và ghép cải tạo vườn điều 10 tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình vườn điều thực hiện tác động cộng hưởng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp như bón phân, tỉa cành, tạo tán và phun thuốc bảo vệ thực vật cho kết quả tốt. Kết quả điều tra sơ bộ và dự báo năng suất điều năm 2015 của các mô hình này sẽ cao hơn các vườn điều không áp dụng kỹ thuật từ 20 - 50%. Cụ thể, năng suất bình quân đạt 1,32 tấn/ha, tăng 10% so với năng suất bình quân năm 2014.
Tỉnh Bình Phước có hơn 134.000 ha điều; trong đó, 80% diện tích với 105.000 ha chủ yếu trồng bằng hạt, 20% diện tích còn lại được trồng mới hoặc tái canh bằng giống mới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, cho kết quả tốt như PN1, MH4/5, MH5/4. Tuy nhiên, những giống có khả năng ra hoa tập trung gặp rủi ro lớn khi thời tiết bất lợi.
Bên cạnh những mô hình áp dụng kỹ thuật chăm sóc điều tốt, thời gian qua, việc thâm canh vườn điều chưa được người dân chú trọng đầu tư, hoặc có nông dân đầu tư nhưng còn hạn chế vì tâm lý đây là cây giữ đất theo điều kiện tự nhiên. Với cây điều ghép chỉ đạt yêu cầu 45% về công chăm sóc, tạo tán, tỉa cành, bón phân phòng trừ sâu bệnh, diệt cỏ dại - ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết.
Thực tế hiện nay các doanh nghiệp chế biến điều trong nước vẫn đang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu vào những tháng cuối năm. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều đang gặp khó khăn về nguyên liệu vì không rơi vào vụ thu hoạch, đồng thời giá thu mua nguyên liệu từ châu Phi cũng tăng cao, từ 1.000 USD/tấn hồi đầu năm nay lên 1.300 USD - 1.400 USD/ tấn hiện tại. Chính vì vậy, 50% nhà máy chế biến điều nhỏ tại Bình Phước, Đồng Nai (còn gọi là các lò trẻ) hết nguyên liệu dẫn đến nhiều cơ sở phải đóng cửa. Với giá này, các nhà máy và doanh nghiệp không thể cân đối nhập và xuất khẩu. Trong 8 tháng năm 2015, ngành điều xuất khẩu 215.000 tấn nhân các loại, đạt kim ngạch gần 1,6 tỷ USD, tăng 9% về lượng và gần 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trước thực tế phần lớn diện tích điều già cỗi cần được đầu tư mới, các chuyên gia đều cho rằng muốn nâng năng suất phải có giống chất lượng tốt và chế độ thâm canh, tỉa cành, tạo tán, cắt ghép được chú trọng đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, công tác đầu tư, cải tạo giống điều là một trong những khâu mấu chốt để thúc đẩy nâng cao năng suất phát triển điều bền vững ở nước ta. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thúc đẩy các đề tài nghiên cứu, chọn tạo giống để tạo điều kiện thực hiện chương trình chuyển đổi, tái canh, ghép cải tạo các vườn điều cũ.
Thời gian qua, Cục Trồng trọt phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh xây dựng mô hình về tái canh, ghép cải tạo vườn điều, nhất là các mô hình thâm canh chuyên nghiệp. Trong đó đầu tư tỉa cành tạo tán, bón phân tưới nước, theo dõi phòng trừ sâu bệnh. Các mô hình điều năng suất tăng 30% - 50% so với bình thường, đã thu hút nhiều hộ nông dân tham gia thâm canh, ghép cải tạo.
Đồng thời, các địa phương tuyên truyền thông tin để nông dân hiểu, sử dụng, quản lý giống theo khuyến cáo của Bộ. Các địa phương tăng cường quản lý cơ sở giống, nhất là cơ sở giống cây đầu dòng. Trên cơ sở này, thực hiện công tác bình tuyển các cây đầu dòng ở vùng, địa phương mà giống đó đã thích nghi, thể hiện ưu việt trong quần thể giống được xem xét. Từ đó, các địa phương tổ chức hội đồng bình tuyển và quyết định công nhận, giao hộ nông dân quản lý và khai thác sử dụng các mắt ghép từ cây đầu dòng. Đồng thời, từ các cây đầu dòng có thể nhân ra vườn đầu dòng để phát triển sản xuất giống với quy mô lớn hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Nguyễn Đức Thanh chia sẻ, giá trị kinh tế của hạt điều nằm ở nhân điều, nhân càng nhiều, không chua thì giá càng cao. Vì vậy, khi tái canh và thâm canh vườn điều, các địa phương hướng dẫn nông dân lựa chọn giống điều cho nhân thu hồi 32% thay vì giống điều cho nhân thu hồi thấp, đặc biệt là các hộ nông dân chọn giống điều Thái Lan, chỉ cho nhân thu hồi 28%.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, chủ trương của Bộ chỉ đạo cải tạo, thâm canh vườn điều là việc làm cần thiết và dự kiến có hiệu quả cao. Chỉ trong một năm tác động thâm canh, năng suất tăng đáng kể; trong đó, có mô hình đạt 5-6 tấn/ha. Địa phương có vườn điều già cỗi, giống không tốt phải quy hoạch lại, tái canh, trồng thay thế, đồng thời lưu ý vấn đề quản lý giống tốt vì nó quyết định chất lượng vườn điều.
Hiệp hội Điều Việt Nam dự kiến năm nay toàn ngành sẽ xuất khẩu 320.000 tấn nhân điều các loại, đạt kim ngạch 2,5 tỷ USD./.